Tại sao là Sao Hỏa
Tại sao là Sao Hỏa

Đầu tiên phải khẳng định, bất chấp tình trạng ô nhiễm và biến đổi khí hậu, trái đất vẫn là nơi tuyệt vời để sống. Đây là nơi sinh vật bao gồm loài người đã sinh ra, thích nghi qua hàng triệu năm. Vũ trụ ngoài kia không được thiết kế để con người sống. Các hành tinh khác ngoài trái đất mà chúng biết đến đều vô cùng khắc nghiệt cho sự sống, hoặc quá xa xôi nên việc đi đến đó là phi thực tế.
Thử nhìn gần hơn trong hệ mặt trời.
Sao Thủy (Mercury) gần mặt trời nhất. Do quá gần nên gió mặt trời đã thổi bay hầu như toàn bộ khí quyển. Đứng ở đây chẳng khác gì đứng trong chân không. Bạn không thở được, và toàn bộ không khí trong phổi bị hút ra hết. Không những thế, các tia bức xạ từ mặt trời và vũ trụ không bị khí quyển ngăn trở sẽ không để bạn yên. Nhiệt độ ban ngày là 430oC, còn ban đêm là -170oC. Ác mộng!
Tiếp theo là Sao Kim (Venus, vẫn được dân ta gọi nôm na là Sao Mai và Sao Hôm). Ngược với Sao Thủy, bầu khí quyển dày đặc của Sao Kim tạo ra áp xuất gấp 90 lần trên trái đất – cảm giác đứng trên mặt đất mà giống như đang lặn sâu 1km dưới đại dương, di chuyển tay chân trong không khí giống như di chuyển dưới nước. Bầu khí quyển dày đặc cũng gây ra “hiệu ứng nhà kính” đáng sợ, ngày cũng như đêm, nhiệt độ hầu như không đổi, vào khoảng 465oC. Khí CO2 chiếm tới 96% không khí cũng đầu độc bạn ngay lập tức.
Quay lại Sao Hỏa. Sống trên sao Hỏa cũng chẳng dễ chịu gì. Nhiệt độ lạnh hơn Nam Cực. Không khí đậm đặc CO2 không thể thở. Tầng khí quyển mỏng không đủ để bảo vệ bạn trước các tia bức xạ – dẫn đến nguy cơ cao hơn về ung thư và khả năng sinh sản. Lực hấp dẫn chỉ bằng 1/3 trái đất có thể gây ra các vẫn đề về sức khỏe – dù chưa rõ mức độ. Dẫu vậy, so với các điều kiện ác mộng trên các hành tinh khác, sao Hỏa vẫn ít khắc nghiệt hơn rất nhiều. Với việc sử dụng các công nghệ tiên tiến để khắc phục các nhược điểm trên, con người hoàn toàn có thể định cư trên Sao Hỏa, nếu muốn.
Còn mặt trăng thì sao?
Mặt trăng vẫn luôn được xem là ứng cử viên khác cho việc định cư lâu dài. Ưu điểm nổi bật là khoảng cách: ánh sáng chỉ mất hơn 1 giây để đi đến mặt trăng, trong khi mất từ 3~21 phút để tới Sao Hỏa (tùy vị trí của 2 hành tinh trên quỹ đạo). Bạn chỉ cần 3 ngày để bay lên mặt trăng, trong khi đó mất 6 tháng để lên Sao Hỏa (mà phải đợi hơn 2 năm thì 2 hành tinh mới gần nhau để khởi hành). Từ mặt trăng, bạn có thể liên lạc với mặt đất và được trả lời ngay thay vì phải đợi hàng chục phút như từ Sao Hỏa. Việc này cũng tác động lên tâm lý con người: khi có sự cố gì chạy về trái đất may ra còn kịp!
Tuy nhiên, mặt trăng có những điểm yếu. Mặt trăng không có khí quyển, khiến ảnh hưởng của các tia bức xạ nguy hiểm hơn nhiều. Lực hấp dẫn trên mặt trăng chỉ bằng 1/6 trái đất (và bằng một nửa của Sao Hỏa) gây ra nhiều chứng bệnh cho con người khi ở lâu (như mất cơ, loãng xương, vv) – nhiều khả năng sẽ phải “xoay vòng”: ở trên mặt trăng 1 năm lại phải quay về trái đất. Một ngày trên mặt trăng dài tới 29 ngày trái đất (trong khi Sao Hỏa là 24.5 giờ trái đất), với nhiệt độ ban ngày là 123 độ C và ban đêm là -233 độ C, khắc nghiệt hơn Sao Hỏa. Mặt trăng cũng ít các tài nguyên cần thiết cho việc định cư lâu dài (nước, các-bon, ni-tơ, kim loại như đồng, vv). Những việc này làm cho việc định cư trên mặt trăng cần nhiều đầu tư về công nghệ tiên tiến (công trình dưới lòng đất, hệ thống năng lượng mặt trời để sống và trồng trọt, các máy móc phức tạp để điều chế nước và các chất cần thiết, vv – hoặc tất cả phải vận chuyển từ trái đất). Vì thế, cuộc sống ở mặt trăng phụ thuộc nhiều vào trái đất. Có thể xây dựng mặt trăng thành một “thành phố vệ tinh”, cho mục đích nghiên cứu khoa học, du lịch, hoặc để thử nghiệm tập dượt trước khi xa hơn vào không gian. Tuy nhiên, về lâu dài, mặt trăng không thể được coi một bản sao dự phòng cho loài người. Khi trái đất có “mệnh hệ” gì thì con người khó tồn tài độc lập trên mặt trăng.
Sao Hỏa cũng gặp hầu hết các điểm yếu của mặt trăng nói trên, nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Hơn nữa, Sao Hỏa có khí quyển nên có cơ hội để con người “cải tạo” không khí trở nên gần giống với trái đất khi công nghệ cho phép. Với diện tích rộng hơn mặt trăng rất nhiều, tài nguyên dồi dào, cũng như khả năng định cư độc lập cao hơn, Sao Hỏa có tiềm năng to lớn trở thành một thế giới mới của loài người.

Minh họa về 1 cơ sở trên mặt trăng
Ngoài mặt trăng và Sao Hỏa, chúng ta còn có các lựa chọn khác. Các thiên thể trong vành đai tiểu hành tinh hay các vệ tinh của các hành tinh lớn trong hệ mặt trời cũng có thể được chinh phục làm nơi định cư trung gian để trung chuyển và khai thác tài nguyên. Có nhiều tranh cãi về việc nên bắt đầu như thế nào và ở đâu trước: mặt trăng, tiểu hành tinh, hành tinh lùn, hay Sao Hỏa. Tuy nhiên, vì các lý do đã đề cập ở phần trước, trong bài viết này tôi sẽ chỉ tập trung vào việc định cư trên Sao Hỏa